Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI VẤN ĐỀ CHỐNG THAM NHŨNG

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI VẤN ĐỀ CHỐNG THAM NHŨNG

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lớn - nhà dân tộc vĩ đại - vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc. Bác là tấm gương vĩ đại cho mọi người, là hiện thân, là tấm gương sáng của Đảng, toàn quân, toàn dân. Vì thế, ngày 7/11/2006 Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06/2006/CT-Bộ chính trị tổ chức vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Một trong những tư tưởng của Hồ Chí Minh là phê phán chủ nghĩa cá nhân, coi trọng đạo đức cách mạng. "Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng lo lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể "Miễn là mình béo, mặc thiên hà gầy". Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô...Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng chủ nghĩa xã hội"1. "Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân"2. Một trong những tư tưởng phê phán chủ nghĩa cá nhân là vấn đề tham ô, tham nhũng. Khi bàn về vấn đề chống tham nhũng, tư tưởng của Người toát lên nội dung coi tham nhũng là loại tội phạm nguy hiểm, nó ăn sâu, đục khoét và làm mục rỗng bộ máy Nhà nước và cần phải loại bỏ. Qua các tác phẩm của Bác và hoạt động sinh hoạt đời thường chúng ta có thể thấy rõ cái mà Người ghét nhất, ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm là thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời nước ta đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, do cơ chế thị trường dẫn đến một số cán bộ suy thoái về đạo đức, phẩm chất cách mạng đặc biệt tệ nạn tham nhũng ngày càng tăng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Nó gây trở ngại lớn đối với quá trình đổi mới xây dựng đất nước; làm thất thoát khoản tài chính, tài sản lớn, làm biến chất cán bộ, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước; làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong con mắt của cộng đồng thế giới. Năm 2006 điển hình 10 vụ án tham nhũng: Vụ án "con bạc triệu đô" Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở Ban Quản lý dự án PMU18; Vụ việc cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn - Hải Phòng mang hàng chục mảnh đất có giá trị tiền tỷ đi chia chác và làm "quà xã giao". Những người khiếu nại, tố cáo vụ "quan ăn đất" bị trù dập, khai trừ khỏi Đảng; nhà công vụ biến thành nhà tư, Vụ siêu lừa Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalk và những sự "ưu ái" khó hiểu từ phía tỉnh Khánh Hòa; vụ tiêu cực mua sắm thiết bị ở 38 bưu điện tỉnh, TP trên toàn quốc tại các bưu điện do trùm lừa đảo Nguyễn Lâm Thái cầm đầu; cựu đại biểu Quốc hội Mạc Kim Tôn; những sai phạm tại Vietnam Airlines cũng là một trong 10 vụ đình đám của năm, Việc Vietnam Airlines "bao" cho con em một số lãnh đạo bộ, ngành đi du học dù không đủ tiêu chuẩn; Những thiệt hại trong việc trả máy bay, mua động cơ hay mất 5,2 triệu euro tiền phạt; Đất rừng tại huyện ngoại thành Sóc Sơn (Hà Nội) bị "băm nát". Rừng không để trồng cây là được chia lô để xây nhà hàng, biệt thự, nhà nghỉ, làm trang trại; trong vụ "xà xẻo" tiền cứu trợ ở Hương Sơn, Hà Tĩnh không có bất cứ ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự dù hành vi tham nhũng vô cùng nghiêm trọng. Vụ việc bị "chìm xuồng" từ năm 2004, đến năm 2006 mới bị báo chí "khui" ra; những gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2006 tại một số hội đồng thi của Hà Tây đã châm ngòi cho cả nước phát động phong trào "Nói không với tiêu cực trong thi cử"... đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ. Vì thế, mỗi cán bộ, Đảng viên, toàn dân phải học tập, tìm hiểu tư tưởng của Bác về chống tham ô.
  Theo Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1992 định nghĩa tham ô là lợi dụng quyền hành hoặc chức trách để ăn cắp của công. Tham ô chính là chữ bất liêm trong đạo đức cách mạng của cán bộ. "Liêm là trong sạch, không tham lam" là "luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân", "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân, không tham địa vị, không tham tiền tài..., không tham tân bốc mình". Người cán bộ đã dám hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa thì không tham gì hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tham ô là trộm cướp... "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta." "Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ ‘giặc ở trong lòng'3. Bác đã chỉ rõ: "Tham ô là một hành động xấu xa nhất của con người, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội". Bởi vì tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư. "Nhân dân lao động làm lụng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để góp phần xây dựng của công - của Nhà nước và của tập thể. Của công ấy chính là nền tảng vật chất của chế độ XHCN, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống vật chất của nhân dân ta". Do đó "tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm phương hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà giàu mạnh, phồn vinh, có hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, "có hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ, công nhân"4. Như Cụ Khổng Tử nói: "Người mà không liêm, không bằng súc vật". Cụ Mạnh Tử nói: "Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy"5. Chủ tịch Hồ Chí Minh không những làm rõ khái niệm nội dung của tệ tham ô mà còn đi sâu phân tích những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này: "Vì cán bộ phụ trách lãnh đạo các cấp, các ngành quan liêu, không đi sát công việc, cán bộ quần chúng nhân dân. Có thể nói bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở"6. Đấy chính là nguyên nhân trực tiếp tạo nên tham ô, lãng phí có liên quan đến mỗi cán bộ trong việc xử lý công việc và mối quan hệ với quần chúng nhân dân.
    Ngoài ra nguyên nhân sâu xa tạo nên tham ô, lãng phí là do những tàn dư của xã hội cũ để lại. " là những xấu xa của xã hội cũ, nó do lòng tự tư, tự lợi, ích kỷ hại nhân mà ra. Nó do chế độ người bóc lột người mà ra"7. Tham ô lãng phí xuất phát từ cái tâm không tốt của người: "Vì thiếu đạo đức cách mạng, thiếu tinh thần trách nhiệm mà đâm ra hư hỏng như ăn cắp của công, vung phí tiền bạc và vật liệu của Nhà nước và của tập thể, làm hại đến việc phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống của nhân dân"8. Đặc biệt, nguyên nhân sâu xa, bao trùm nhất, đó là chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, nảy sinh ra các bệnh nguy hiểm như lười biếng, ngại gian khổ, khó khăn, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa... "Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tích tổ chức, tích kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại lợi ích của cách mạng, của nhân dân"9. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm. Tham ô còn do trình độ hiểu biết, trình độ văn hóa và trình độ tổ chức quản lý nhà nước yếu kém. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí minh nhắc nhở từ lâu. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đừng tưởng mình ở cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh nhân dân, cứ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mệnh". Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi. Họ xa rời quần chúng và chỉ muốn làm thầy quần chúng. Nói chuyện với cán bộ, đảng viên, Bác nhắc nhở mọi người phải ghi nhớ và làm theo câu nói của Lê-nin là "học, học nữa, học mãi". Cán bộ ở cấp càng cao càng phải học nhiều, học văn hóa, học chuyên môn, học đạo đức, học cách cư xử và cách sống làm người... Do trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật thấp, thiếu hiểu biết thực tiễn, quen chỉ đạo, giáo huấn chung chung lại không chịu rèn luyện tu dưỡng nên một số cán bộ, đảng viên đã rơi vào tình trạng tham ô, suy thoái phẩm chất đạo đức... gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Đấu tranh chống tham ô, tham nhũng trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa vô cùng to lớn trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, vì sự nghiệp "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh". Nó có hai ý nghĩa quan trọng như trong Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và nhà nước.
    Thứ nhất, nó làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân.
   Thứ hai, nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Do đó mà nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết thêm, lực lượng ta đã hùng mạnh, càng hùng mạnh thêm. Giải pháp hoàn thiện trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng Một là, Tệ nạn tham nhũng - vấn đề quan trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch các ung nhọt ấy thì thân thể càng khỏe mạnh. Và: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật"10. Điều đó có nghĩa là Đảng phải thực hành kỷ luật nghiêm minh, Nhà nước phải có thể chế cụ thể, rõ ràng và quan trọng hơn là phải biết dựa vào lực lượng quần chúng đấu tranh, phê bình, giáo dục và xử lý nghiêm minh những cán bộ đảng viên mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa, tham ô, lãng phí gây nguy hại cho Đảng, cho Nhà nước, cho nhân dân. Hai là, muốn chống tham ô phải phát huy quyền làm chủ tối đa của nhân dân, phải dựa vào quần chúng, phát động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống tham ô. Ba là, tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ. Hướng tới việc hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: nhà nước đó phải thể hiện và thực hiện trên thực tế quyền lực của nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân; thực hiện dân chủ hóa, công khai hóa sự quản lý của nhà nước. Việc hoàn thiện bộ máy quản lý gọn, nhẹ, có hiệu lực, bảo đảm cho bộ máy đó phải đi sâu đi sát thực tế, gắn quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Bốn là, vấn đề đào tạo và rèn luyện cán bộ phải trên quan điểm toàn diện: đức, trí, lao động, thể, mỹ... Phải tạo ra những con người có lối sống lành mạnh, giản dị, phong cách làm việc khoa học, trung thực, hết lòng vì nước, vì dân. Cán bộ phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lấy đạo đức cách mạng làm nền tảng, phải lấy chữ liêm làm đầu nhất là những người làm trong công sở. Vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: cán bộ là "tiền vốn" của đoàn thể, có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công việc gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt sẽ hỏng việc, tức là lỗ vốn. Huấn luyện cán bộ là công việc "gốc" của Đảng.
    Cuối cùng, phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý kỷ luật nghiêm minh những tập thể, cá nhân vi phạm. Để thực hiện có hiệu quả cần coi trọng và tiến hành đồng bộ các biện pháp. Nhưng vụ án tham ô đất đai ở An Nhơn Bình Định do tên Lê Hữu Cư - Lê Thái Bình cầm đầu đã làm thiệt hại 7 tỷ đồng ( Công bố công an điều tra ) , chứ thực tế thì hơn nhiều vẫn chìm xuồng thì thử hỏi chống tham nhũng là cái gì ???
     Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nhìn vào thực tế tình trạng tham ô ngày nay chúng ta càng thấy những lời dạy bảo của Bác là vô cùng sâu sắc và hết sức quý báu. Thực hiện tư tưởng của Người, chống tham ô là trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhằm loại trừ những con sâu mọt - kẻ thù nguy hiểm đang âm ỉ tấn công phá hoại làm hạn chế sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển. Tích cực đấu tranh với những tư tưởng bè cánh, che giấu từ trong nội bộ đơn vị, cơ quan để phát hiện và xử lý các đối tượng tham ô, tham nhũng một cách kịp thời và hiệu quả nhất.
  Trong giai đoạn hiện nay, tham ô, tham nhũng là những hành động tiêu cực biểu hiện dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi khác nhau. Do đó mỗi cán bộ, đảng viên cần có thái độ dứt khoát và kiên quyết bài trừ mọi biểu hiện có dấu hiệu tham ô tham nhũng, bảo vệ tiền của, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tập trung vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng phát triển kinh tế-xã hội. Tham ô, tham nhũng là thiếu đạo đức cách mạng nên mỗi cán bộ đảng viên phải thường xuyên rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ để bộ máy Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể ngày càng trong sạch vững mạnh, tạo được lòng tin vững chắc của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới hội nhập và phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét